(ĐTCK) Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC cho biết, khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP cùng các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, Chính phủ cho phép SCIC bán nhiều hơn 49% vốn cho nhà đầu tư ngoại tại các DN mà SCIC đang quản lý phần vốn Nhà nước, chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, tạo đà cho các đợt M&A bùng nổ.
Trao đổi với ĐTCK sáng 4/8/2015, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Vinatex đang trong giai đoạn chuẩn bị xác định giá trị lần 2 để lên phương án bán tiếp phần vốn Nhà nước. Phương bán bán cụ thể vẫn chưa được chốt, nhưng có một điều chắc chắn, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Duơng (TPP) sẽ mở ra cơ hội lớn cho Vinatex và nhà đầu tư sành sỏi sẽ không dễ bỏ qua cơ hội này.
Nới room, cơ hội cho Việt Nam hút vốn
“Kinh tế thế giới đã trải qua những đợt khủng hoảng nghiêm trọng, mãi lực tại nhiều nước sụt giảm mạnh, nhưng Vinatex với vai trò hạt nhân của ngành dệt may Việt Nam, vẫn duy trì được tăng trưởng hàng năm”, bà Nguyên Hạnh nói và cho biết, từ năm 2010 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Vinatex tăng 170%, từ mức 1,92 tỷ USD đến 3,26 tỷ USD năm 2014 và dự kiến đạt 3,75 tỷ USD trong năm 2015.
Điểm đặc biệt của Vinatex là mặc dù chỉ chiếm 7,6% về lao động toàn ngành, nhưng Vinatex chiếm 48% sản lượng sợi, 33% sản lượng vải – những yếu tố quyết định Vinatex sẽ được hưởng lợi từ chính sách thuế khi Việt Nam tham gia TPP.
Sau 1 tháng kể từ ngày Vinatex thể hiện thông điệp của mình trên thị trường tài chính Mỹ, tại Hội nghị bàn về quan hệ kinh tế Việt – Mỹ cuối tuần qua đã xuất hiện thông tin, tỷ phú Mỹ Wilbur L. Ross đang “để mắt” đến Vinatex cho kế hoạch đầu tư sắp tới. Trao đổi với ĐTCK, bà Hạnh cho hay, hiện chưa có thông tin cụ thể về kế hoạch đầu tư của tỷ phú Mỹ này, nhưng Vinatex mong rằng các DN, nhà đầu tư Mỹ sẽ tăng cường hợp tác, góp phần phát triển Vinatex và ngành dệt may Việt Nam.
Trong quan điểm của ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), quyết sách nới room của Chính phủ sẽ mở ra cơ hội lớn cho cả DN Việt Nam và nhà đầu tư lớn. SCIC đang có nhu cầu bán phần vốn Nhà nước tại 300 DN, trong đó có nhiều DN có sức hút lớn với nhà đầu tư chiến lược giống như Vinatex.
“Khống chế nhà đầu tư ngoại được đầu tư tối đa 49% trong DN đại chúng là một điểm vướng trong thu hút các dòng vốn lớn”, ông Đạo nói và cho rằng, khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP cùng các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, Chính phủ cho phép SCIC bán nhiều hơn 49% vốn cho nhà đầu tư ngoại tại các DN mà SCIC đang quản lý phần vốn Nhà nước, chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, tạo đà cho các đợt M&A bùng nổ.
Đã đầu tư là nên sở hữu lớn
Nghiên cứu của GS.TS Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Sáp nhập, mua lại và liên kết (IMAA) cho biết, nếu nhìn sâu hơn về các vụ sáp nhập và mua lại được công bố trên phạm vi toàn cầu trong năm nay thì hoạt động mua bán có thể đạt tổng trị giá hơn 4.000 tỷ USD, tăng 226 tỷ USD so với năm ngoái, tương đương với mức tăng 6%.
Nếu xu hướng những tháng đầu năm nay tiếp tục thì số lượng thương vụ sẽ có khả năng đạt khoảng 41.000 vào cuối năm. Trong số các thương vụ lớn diễn ra trong năm nay có hai vụ M&A nổi bật: một là của Royal Dutch Shell đến từ Hà Lan với BG Group của Anh, giá trị là 69 tỷ USD; hai là Charter Communications của Hoa Kỳ với Time Warner Cable, giá trị là 56 tỷ USD.
Tại Việt Nam, TS. Kummer cho biết, hoạt động M&A đang có bước tiến trong bảng xếp hạng mua bán, sáp nhập DN trên toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Việt Nam xếp thứ 55 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng lại đứng thứ 20 về giá trị M&A. Năm 2014, Việt Nam xếp thứ 24 toàn cầu với 339 thương vụ. Năm nay, số thương vụ M&A trên lãnh thổ Việt Nam dự kiến sẽ lên đến 400 giao dịch được thực hiện.
Dù M&A tại Việt Nam có bước tiến so với chính mình, nhưng TS. Kummer cho biết, các thương vụ mua lại giữa DN Việt và nước ngoài vẫn còn ở mức thấp, chỉ khoảng 10 thương vụ mỗi năm. Sở dĩ có tình trạng này là vì ở vị thế một nền kinh tế đang phát triển, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam còn rất hạn chế (năm 2014 có một số thương vụ như Vinamilk tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Miraka, nhà sản xuất sữa khô tại New Zealand; CTCP Bảo hiểm Bưu điện Việt Nam nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty bảo hiểm Lane Xang Assurance Public từ 40% lên 50%; FPT mua lại RWE IT hoạt động tại Slovakia SRO…).
Trong khi đó, hoạt động thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp đến Việt Nam, mua và sở hữu lớn các DN nội địa cho đến nay vẫn bị hạn chế bởi tỷ lệ đầu tư tối đa 49%. Việc mở ra cơ hội cho nhà đầu tư chuyên nghiệp mua để sở hữu quá bán các DN đại chúng Việt Nam chỉ có thể thực hiện được khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực, bắt đầu từ tháng 9/2015, nếu các văn bản hướng dẫn Nghị định này kịp ban hành.
Tại sao nới room có thể sẽ tạo nền cho M&A bùng nổ? Các chuyên gia cho rằng, có hai lý do chính. Thứ nhất, quy mô DN và cả TTCK Việt Nam hiện còn rất nhỏ bé, nên nếu chỉ được đầu tư với một tỷ lệ giới hạn, Việt Nam sẽ rất khó hấp dẫn dòng vốn lớn.
Thứ hai, nới room sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư chiến lược mua đến sở hữu lớn và đây là điều họ cần nhất để có thể đủ sức tác động đến hoạt động quản trị, điều hành DN, giúp DN lớn lên để mang lại lợi ích cho các bên.
Trong cuộc trao đổi với nhà đầu tư Mỹ hồi tháng 7 vừa qua, Tổng giám đốc SCIC đã kể một câu chuyện đáng chú ý. SCIC và VinaCapital đều là cổ đông của CTCP Bảo vệ thực vật An Giang – DN có 8 năm cổ phần hóa, nhưng không chịu lên niêm yết.
“Chúng tôi, ở vị thế cổ đông, rất muốn DN lên sàn, nhưng không đủ quyền quyết định việc đó”, ông Đạo nói và thẳng thắn khuyên nhà đầu tư, nếu đã chọn DN, nên chọn mua đến mức chi phối để đủ sức quản trị DN.
Với 289 DNNN đã lên lộ trình cổ phần hóa năm 2015 và gần 300 DN có vốn Nhà nước cần thoái trong thời gian tới, nếu quyết sách nới room của Chính phủ được thực thi đúng lộ trình (1/9/2015) và nỗ lực đổi mới DNNN được thực hiện mạnh mẽ như quyết tâm của Chính phủ, chắc chắn năm 2015, 2016 sẽ diễn ra nhiều thương vụ M&A nổi bật.
Tỷ phú Mỹ Philip A Falcone cho rằng, người Nhật Bản, người Trung Quốc, người Hàn Quốc cũng đang nhìn thấy cơ hội từ Việt Nam và đang nỗ lực để nắm bắt chúng. Còn tỷ phú Mỹ Wilbur L. Ross thì cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về sở hữu DNNN giữa Chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân. Đây là cơ hội M&A hiếm có và thú vị cho những người biết nắm bắt.