Bức tranh vốn đầu tư gián tiếp

SHARE:

Một năm rưỡi trở lại đây, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam đã sôi động trở lại. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là những nhân tố chính trên thị trường nhờ các thương vụ giá trị cao, phổ biến từ 30-100 triệu đô la Mỹ, dù chỉ chiếm 40% tổng các thương vụ.

d47image31

Kỷ lục trong năm 2015 sẽ bị phá vỡ

Số liệu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố (được trích dẫn trong đặc san Tổng quan thị trường M&A 2016 do báo Đầu tư phát hành), trong bảy tháng đầu năm 2016, tổng giá trị các thương vụ M&A đã vượt 3,2 tỉ đô la Mỹ. Nếu tính riêng phần góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài để sở hữu trên 50% cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam thì con số này là 1,512 tỉ đô Mỹ cho 1.284 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.

Trong khi đó, theo ông Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Mua lại, sáp nhập và liên kết (IMAA) của Thụy Sỹ, tính đến ngày 22-7-2016, đã có 345 thương vụ M&A tại Việt Nam với tổng giá trị 4 tỉ đô la Mỹ. Đây là con số còn cao hơn cả năm 2014 (340 thương vụ và 3 tỉ đô la Mỹ). Nhờ vậy, Việt Nam đã tiến lên khá nhanh trong bảng xếp hạng toàn cầu về M&A. Đến ngày 22-7, Việt Nam đã thăng chín bậc so với năm 2014, tăng bốn bậc so với năm 2015 và đang ở hạng thứ 15 trên toàn thế giới. Theo ông Christopher Kummer, sự sôi nổi của hoạt động M&A tại Việt Nam ngược với xu hướng đang chững lại trên thế giới cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trước đó, năm 2015, Việt Nam đã lập kỷ lục về số lượng và giá trị các thương vụ M&A khi có đến 531 giao dịch với tổng giá trị 5 tỉ đô la Mỹ. Ông Christopher Kummer cho rằng kỷ lục này sẽ bị phá vỡ trong năm 2016. Dự báo, năm nay sẽ có 600 giao dịch với tổng giá trị 6 tỉ đô la Mỹ.

Nhóm các nhà nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), đến từ IMAA, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) và một số tổ chức tư vấn cũng đưa ra con số dự báo về tổng giá trị giao dịch như vậy. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A đã vượt con số 3 tỉ đô la Mỹ, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, đã và đang xuất hiện những thương vụ có quy mô hàng tỉ đô la Mỹ, ảnh hưởng quan trọng đến ngành, thị trường và nền kinh tế nói chung.

Số liệu của nhóm nghiên cứu MAF ghi nhận, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm đại đa số những thương vụ có giá trị lớn. Trong nhóm 10 thương vụ lớn nhất từ trước đến nay thì có đến 9 thương vụ có mặt nhà đầu nước ngoài với vai trò là bên mua. Quy mô của các thương vụ này dao động từ 30-100 triệu đô la Mỹ, thậm chí có cả tỉ đô la Mỹ.

Những cái tên, lĩnh vực nóng trên thị trường

Các chuyên gia của nhóm nghiên cứu MAF đánh giá Thái Lan là một trong những cái tên nổi lên. Các nhà đầu tư mang quốc tịch Thái Lan đã đóng góp hai thương vụ đình đám. Đó là thương vụ trị giá 1,1 tỉ đô la Mỹ giữa Singha Asia Holding Pte Ltd với tập đoàn Masan và thương vụ 1,05 tỉ đô la Mỹ giữa tập đoàn Central với tập đoàn Casino (Pháp).

Kế đến những cái tên có nguồn gốc Nhật Bản, Singapore. Các nhà đầu tư Nhật Bản ghi dấu ở những thương vụ mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước thuộc những lĩnh vực quan trọng. Trong đó, JX Nippon Oil Enery bỏ ra 4.039,37 tỉ đồng (khoảng 183 triệu đô la Mỹ) để sở hữu 9,09% cổ phần tại tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). ANA Holding Inc đã chi 109 triệu đô la Mỹ để nắm giữa 8,7771% cổ phần tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Ngoài ra, còn có một số thương vụ ở lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Singapore thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến thị trường bất động sản Việt Nam. New Life RE đã mua lại khách sạn Duxton Saigon; Keppel Land Ltd bỏ ra 93,9 triệu đô la Mỹ để nhận chuyển nhượng 40% cổ phần tại dự án Emprise City, quận 2, TPHCM.

Ông John T. Ditty, Phó tổng giám đốc điều hành, Công ty Thuế và Tư vấn KPMG tại Việt Nam và Campuchia, lý giải sở dĩ các doanh nghiệp Thái Lan đến Việt Nam rất nhiều trong thời gian qua là vì họ đang phải cạnh tranh gay gắt tại nước nhà. Các nhà đầu tư Nhật Bản đang đến Việt Nam không chỉ là những công ty toàn cầu như trước đây mà còn có những công ty nhỏ và vừa. Các nhà đầu tư Singapore thì tỏ ra yếu thế về vốn hơn so với các nhà đầu tư Nhật Bản, Thái Lan hay Hàn Quốc do đã đầu tư ở nhiều nước khác.

Xét theo lĩnh vực, nhóm nghiên cứu MAF cho rằng bán lẻ, sản xuất thực phẩm và bất động sản là ba ngành chiếm tỷ lệ lớn trong các thương vụ M&A. Trong đó, đứng đầu là lĩnh vực bán lẻ (29,84% giá trị), kế đến là sản xuất thực phẩm (28,07%), bất động sản (27,08%). Các lĩnh vực này được dự báo tiếp tục thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài thông qua M&A bởi đây là cách nhanh nhất để tiếp cận thị trường.

Lực hút từ đâu?

Câu hỏi đặt ra là tại sao dòng vốn đầu tư gián tiếp lại ào ạt chảy vào Việt Nam trong thời gian vừa qua? Theo các chuyên gia, đó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố.

Dễ thấy nhất, đó là vì Việt Nam có sự ổn định về chính trị, tăng trưởng về kinh tế cũng như có một thị trường tới hơn 90 triệu dân. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài đến khai thác những lợi thế của các FTA. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng.

Ngoài các yếu tố trên, theo góc nhìn của ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đó còn do sự hồi phục của thị trường vốn. Các thương vụ M&A ở thị trường vốn được ghi nhận trong sáu tháng đầu năm 2016 khá nhiều. Bên cạnh đó là chính sách nới room, cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 100% vốn tại một số doanh nghiệp cũng như quyết định đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa.

Tuy nhiên, các chuyên gia của lĩnh vực M&A lưu ý, để tiếp tục thu hút được dòng vốn đầu tư gián tiếp qua M&A, việc quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam là nâng cao chất lượng quản trị, minh bạch thông tin. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp về thuế, về quy trình đầu tư theo hướng rõ ràng, minh bạch, ổn định và thông thoáng.

Subscribe our newsletter!

Stay up to date with IMAA Institute company news

Are you sure you
want to log out?

Book a Demo

Book a Demo

    Request a Brochure

      Request a Brochure

      Contact us to discuss your goals and needs!

      Contact us to discuss your goals and needs!

      In order to become a charterholder you need to complete one of the IMAA programs